Game đỉnh thì chưa đến, webgame cũng chưa đi. Làng game Việt đang trải qua một khoảng thời gian vô cùng nhàm chán của thời kỳ chuyển giao.
Chúng ta, những game thủ Việt, đang sống trong những ngày tháng “đứng ngồi không yên”. Sở dĩ như vậy là vì, hàng loạt những game online ấn tượng, xứng đáng xếp vào hàng bom tấn, được game thủ nhiều nước ngóng chờ và thèm muốn đang dồn dập có những thông tin sẽ được phát hành tại Việt Nam.
Thế nhưng bên cạnh đó, một sự thật hiển hiện, khó có thể chối bỏ chính là ở thời điểm hiện tại, hầu hết những game online ra mắt tại làng game Việt đều là những webgame 2D. Chỉ tính riêng trong tháng 03 cũng như tuần đầu tiên của tháng 04, chúng ta chỉ có thể điểm ra hai tựa game đặc biệt nổi bật đó là Tiếu Ngạo Giang Hồ và Chiến Binh CS.
Một sản phẩm là MMORPG client với đồ họa ấn tượng. Sản phẩm còn lại là một game mobile nền 3D do người Việt Nam tạo ra. Tất cả những sản phẩm còn lại đều là những webgame 2D hoặc những webgame casual với lối chơi đa phần đậm chất “mỳ ăn liền” với auto trang bị tận răng game thủ.
Rõ ràng, thời kỳ những game online đình đám được ra mắt vẫn chưa đến với làng game Việt. Rốt cuộc điều gì đang xảy ra? Chúng ta còn phải sống trong tình trạng “đứng ngồi không yên” như thế này tới bao giờ?
Thời kỳ chuyển giao
Như một lẽ dĩ nhiên, khi một NPH đem một game online ấn tượng, lấy ví dụ như Bless hay Kingdom Under Fire II về Việt Nam, họ sẽ chẳng thể nào nhanh chóng thực hiện Việt hóa và thiết lập máy chủ để phục vụ game thủ Việt càng sớm càng tốt. Chưa chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo ở khâu nào, sau này khi hoạt động, chính khâu đó sẽ khiến NPH “khổ sở” vì những hệ lụy lâu dài.
Việc bỏ hàng chục tỷ Đồng mua game về phát hành cũng là một lý do các NPH phải tính toán thật kỹ lưỡng thời điểm ra mắt cũng như theo dõi thật sát sao những tựa game cùng tầm của các NPH khác hoạt động ra sao trên thị trường, để có thể tìm ra chiến lược hợp lý cho sản phẩm mình đang ấp ủ.
Trong trường hợp này, “sản phẩm cùng tầm” lại chính là Tiếu Ngạo Giang Hồ, game nhập vai kiếm hiệp đã và đang gây bão cho làng game Việt thời gian qua. Tựa game này có thành công hay không chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với những bom tấn đang chờ ngày phát nổ.
Chính vì lẽ đó, game thủ Việt hiện tại đang sống trong thời kỳ chuyển giao giữa cái cũ và cái mới hết sức nhàm chán, khi cái mới chưa đến trong khi game thủ đã quá ngán ngẩm với những thứ cũ.
Nhiều khả năng, phải đến tháng 05, các NPH mới có được nhận định chuẩn xác về khả năng thành công của những game online dạng client đang chờ ngày bùng nổ tại làng game Việt.
Game thủ đóng vai trò quyết định
Đồng ý một điều, webgame đã đi vào giai đoạn thoái trào. Thế nhưng khi đã “trị vì” quá lâu, để “hạ bệ” một thể loại game online đã ăn sâu vào tâm trí một bộ phận không nhỏ game thủ Việt chắc chắn không thể thành công trong một sớm một chiều.
Game thủ Việt (hoặc một phần của họ) ra sức tẩy chay những webgame hay những game client có chất lượng thấp, hầu hết có xuất sứ từ nước láng giềng Trung Quốc. Tiếc thay, những gì cộng đồng game thủ Việt đang thể hiện lại trái ngược hoàn toàn với những gì được đề cập trên đây, vốn từng được coi là “tâm nguyện” của không ít game thủ nước nhà.
Trước đây, đã từng có một game nhập vai khác đã từng ra mắt tại Việt Nam. Khi đó game thủ cũng hô hào mong muốn một nhà phát hành nào đó đưa game về Việt Nam. Thế nhưng khi về đến thị trường nội địa, cách chơi của tựa game này quá sâu và phức tạp, tới mức “kén người chơi”, trong khi ở các thị trường khác, nó luôn gặt hái được thành công vang dội.
Điều này có nghĩa là, để bước chuyển mình diễn ra được thành công, game thủ chính là những người đóng vai trò quyết định đến thành bại của một game online. Thật may mắn là, số lượng những game thủ sống trong thế giới game theo kiểu “chấp nhận số phận” đã chẳng còn. Họ cần một thứ gì đó mới, xứng đáng bỏ thời gian và công sức để thưởng thức, thay vì những sản phẩm đã quá đỗi tầm thường.
Chúng ta đã trở nên khó tính hơn, đòi hỏi những sản phẩm thực sự chất lượng để tương xứng với công sức, thời gian và tiền bạc bỏ ra để chơi game. Vui một chút, nếu tốc độ “khó tính hóa” của chúng ta diễn ra với tốc độ như hiện tại, thì chẳng mấy chốc, webgame sẽ chính thức trở thành “công dân hạng hai” ở làng game Việt.