Liệu trong năm 2014 này, game Trung Quốc có bị lật đổ khỏi ngôi vương tại thị trường Việt Nam?
Đã từ rất lâu, game Trung Quốc, đặc biệt là những tựa game online mang nội dung kiếm hiệp, tiên hiệp hay ít xuất hiện hơn là những game casual có nguồn gốc từ “người hàng xóm phương bắc” đã trở thành những món ăn vô cùng quen thuộc đối với những game thủ Việt.
Có thể nói, việc đã quá quen với những sản phẩm giải trí mang đậm văn hóa và bản sắc Trung Quốc như sách truyện hay phim ảnh, game thủ chúng ta cũng đã từng đón nhận những game kiếm hiệp hồ hởi và tích cực hơn so với hầu hết những sản phẩm đến từ Hàn Quốc hay các quốc gia khác, vốn thường sở hữu nội dung hiện đại hoặc liên quan tới thần thoại phương Tây (Cửu Long Tranh Bá có thể được coi như một ngoại lệ).
Thế nhưng, trong năm 2014, cán cân game online vốn đang nghiêng hoàn toàn về phía những sản phẩm đến từ Trung Quốc. Tuy những chuyển biến chưa thực sự rõ ràng, nhưng điều này vẫn khiến cho nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu trong năm 2014 này, game Trung Quốc có bị đánh bại tại làng game Việt?
Làn sóng game online mới
Tính từ đầu năm cho tới nay, hàng loạt những cái tên đang không chỉ được game thủ Việt quan tâm chú ý đều lần lượt xuất hiện tại thị trường Việt Nam, một thị trường game trong vài năm trở lại đây bỗng dưng “nổi tiếng” vì số lượng quá tải những webgame 2D tầm trung ra mắt hàng tháng, thậm chí hàng tuần.
Điều đáng nói là, rất nhiều trong số những game online hot hoàn toàn không đến từ thị trường quen thuộc, Trung Quốc. Thay vào đó, có thể điểm qua những cái tên đình đám đến từ Hàn Quốc như Kingdom Under Fire II, Bless, hoặc từ Nhật Bản như Wakfu,…
Ấy là chưa kể làn sóng MOBA mới đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực vào thị trường game Việt Nam như SMITE, Strife hay thậm chí là cả Heroes of the Storm, tạo ra xu hướng mới cho game thủ bên cạnh những cái tên vốn thu hút sự chú ý của người chơi như DOTA 2, HoN, Liên Minh Huyền Thoại. Ngoài Củ Hành là MOBA duy nhất có nguồn gốc từ Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, còn lại những sản phẩm kể trên đều đến từ các studio nước ngoài.
Từ đó có thể nhận thấy một thực tế rằng, các NPH Việt Nam đã bắt đầu để ý tới những sản phẩm không đến từ Trung Quốc. Vậy đâu là nguyên do?
Thời thế thay đổi
Với việc những game online đến từ Hàn Quốc vài năm trước đây thường không gặp được thành công như mong muốn của nhà phát hành tại Việt Nam vì không ít những vấn đề chủ quan và khách quan.
Tuy nhiên, những nhược điểm khiến cho game Hàn khó tìm được thành công không phải là không có cách nào vượt qua. Đầu tiên, mặt bằng chung của cấu hình máy tình chơi game tại nước ta đã không còn thấp như trước đây. Vì thế việc phổ biến và quảng bá rộng rãi nhưng game online Hàn Quốc cũng trở nên dễ dàng hơn trước nhiều.
Thứ hai, như đã phân tích trong một bài viết trước đây về cơn bão game đỉnh sắp đổ bộ thị trường game Việt Nam, webgame đã đi vào giai đoạn thoái trào. Làng game Việt từng liên tiếp được đón nhận các webgame nhập vai cũng như chiến thuật có lối chơi giống hệt nhau. Quả thực, ngoài đồ họa, cốt truyện hay một vài tính năng phụ khác thì chúng ta sẽ rất khó để tìm ra điểm khác biệt giữa các webgame “cùng thể loại” này.
Một đặc điểm đáng buồn của các Webgame Việt khiến chúng thường được ví như một món “mỳ ăn liền” được các NPH tung ra để câu tiền của game thủ. Có thể, vào lúc đầu khi game mới phát hành, số lượng người chơi tham gia là rất đông nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, phần lớn người chơi đều nhảy sang các Webgame khác.
Sau một thời gian chung sống với webgame, những tưởng webgame cùng auto sẽ khiến thói quen của game thủ Việt thay đổi hoàn toàn. Nhưng không. Cộng đồng hâm mộ game online Việt Nam cuối cùng cũng đã phát ngấy với những webgame 2D nhàm chán và có lối chơi lặp đi lặp lại. Họ muốn quay trở lại với những sản phẩm có chiều sâu, xứng đáng để họ bỏ thời gian và công sức thưởng thức.
Chính vì việc quay lưng lại với webgame 2D, mà thời điểm cuối năm 2013 vừa qua đánh dấu sự ngừng hoạt động của nhiều NPH nhỏ, trong khi các NPH trung bình thì trầy trật cố gắng tìm cách xoay sở. Vì vậy chính trong năm 2014 này, chính bản thân những NPH game online lớn cũng đều biết, webgame 2D không còn là lựa chọn lâu dài để tìm doanh thu được nữa.
Họ buộc phải tìm ra những hướng đi mới thay vì tiếp tục gắn bó với những webgame vốn chỉ sở hữu vòng đời không hơn nửa năm. Những sản phẩm ấn tượng đến từ Trung Quốc vẫn nằm trong danh sách đầu tư của các NPH này, nhưng những Thiên Nhai Minh Nguyệt Đao hay Tân Lưu Tinh Sưu Kiếm Lục thường có cái giá rất đắt mà lại khó cạnh tranh vì chúng ta đã có quá nhiều những game kiếm hiệp đang đi tìm chỗ đứng tại làng game.
Vì thế việc lựa chọn những game Hàn Quốc luôn là cách hay, vì một mặt, họ không phải đối mặt với sự cạnh tranh gắt gao, lại vừa tạo được thiện cảm với game thủ, vốn từng vô cùng hâm mộ những cái tên như Aion hay Tera Online.
Game Việt Nam và nguồn cảm hứng từ Flappy Bird
Trong năm 2014 này, không thể không kể tới ngành game Việt, vốn cũng đã trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn.
Với những dự án game, hầu hết là game mobile tính từ đầu năm cho tới nay như Chiến Binh CS hay Face to Zombie của VNG, những studio game Việt Nam đang dần tìm lại được chính mình, tiếp tục có những đóng góp vào công cuộc phát triển của ngành sản xuất game nước nhà.
Đặc biệt, Emobi Games, sau những kinh nghiệm tích lũy được trong năm qua, họ cũng đang rục rịch quay trở lại với guồng quay phát triển game với một dự án game mobile 3D mới. Rõ ràng, với cảm hứng từ thành công quá sức tưởng tượng từ Flappy Bird, những nhà phát triển game Việt dường như có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo, sản xuất ra những sản phẩm ấn tượng và phù hợp với game thủ Việt.
Tạm kết
Với những lý do kể trên, tuy thật khó để có thể tưởng tượng về một viễn cảnh năm 2014 nơi game Trung Quốc hoàn toàn bị lật đổ khỏi ngôi vương tại thị trường game Việt xét về số lượng game cũng như số lượng game thủ, thế nhưng mọi chuyện đề có thể xảy ra, đặc biệt là khi chúng ta đang có những chuyển biến cực kỳ tích cực và mạnh mẽ.