Là vốn từ hình thành từ lâu trong cộng đồng người sử dụng Internet quốc tế, thế nhưng “Anh hùng bàn phím” từ khi xuất hiện tại Việt Nam đã được phát triển một cách rầm rộ bởi sự tiếp tay từ cộng đồng mạng.
Một số dẫn chứng cho thấy: hội chứng “Anh hùng bàn phím” của Việt Nam luôn giữ ngôi vô địch trong cả khu vực Châu Á và dần dần là nỗi khiếp đảm với cộng đồng người sử dụng mạng xã hội Facebook trên toàn thế giới, đặc biệt là nó chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại.. Và đây thực sự là điều đáng mừng hay là nỗi tủi hổ của những người gõ phím văng cả não ra bên ngoài màn hình máy tính?
Nhận dạng
Không khó để phát hiện những thành phần mắc triệu chứng “Anh hùng bàn phím” trong cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là với cộng đồng game thủ. Khác với những người bình thường khi sử dụng Internet và tham gia bàn luận một vấn đề nào đó, các vị “anh hùng” này thường tham gia bàn luận các vấn đề theo cách chọc ngoáy, ném đá trong trạng thái.. mắt nhắm tay gõ phím vù vù.
Chuẩn bệnh
Không cần biết vấn đề mình đang tham gia thảo luận đó là hướng tốt hay xấu, có mang mặt lợi hại gì đối với hòa bình thế giới hay bản thân. Những vị “anh hùng” này cứ mặc sức gõ phím, điên cuồng thi triển món tuyệt kỹ “Giáng long thập bát chửi” mà giang hồ cày Game Online vẫn thường hay gọi là.. Auto chửi.
Đúng! họ chửi rất giỏi, những lời lẽ mang hàm ý đá xoáy một người hoặc vấn đề đều được họ bày tỏ theo cách rất thâm thúy, tới nỗi họ chẳng thể tìm được mấy ai cùng đẳng cấp với mình để mà hiểu mình đang nói cái gì. Rồi khi không thể diễn tả được cho mọi người hiểu về thứ vấn đề họ đang muốn đề cập tới, họ tất nhiên sẽ phát điên lên và tiếp tục thi triển thứ “skill” chửi của mình. Chỉ khác là lúc bấy giờ đối tượng người bị ăn chửi bởi “Anh hùng bàn phím” sẽ là những người đang đối chấp với họ và cả những người đang.. ủng hộ họ (?!)
Trị bệnh
Nếu là một “Anh hùng bàn phím” thuộc đăng cấp Pro thì khả năng kiềm chế cảm xúc của những nhân vật này cực kỳ tốt, họ sẽ dễ dàng làm bạn tức hộc huyết bằng những dạng comment đá xoáy, khích đểu, thể hiện bởi những lời văn vô cùng hoa mỹ nhưng cũng không kém phần hiểm độc.
Bạn – một thanh niên nghiêm túc bình thường, nếu không biết cách xử lý thì rất dễ trúng quỷ kế của những vị hảo hán danh xưng “Anh hùng bàn phím” này. Từ đó nảy sinh ức chế, dẫn tới không kiềm chế nổi cảm xúc mà dùng những lời lẽ dung tục xúc phạm để đáp lại những anh hùng này.
Tuy nhiên, nếu chuyện đó xảy ra thì lúc này bạn sẽ trở thành người sai nhiều nhất. Im lặng chịu đựng cũng không ổn mà cứng rắn đấu khẩu cũng không xong, vậy thì đâu sẽ là liều “vắc-xin” hữu hiệu cho chúng ta giúp chống lại những thành phần nguy hiểm kiểu này?
Câu trả lời đơn giản lắm, đó là khuyên các bạn cứ bơ họ đi để mà sống. Quy luật khá đơn giản là khi họ tỏ ra phớt lờ họ thì họ sẽ càng như muốn nhảy ra trước mặt trêu ngươi chọc tức bạn, thế nhưng dù là anh hùng hay đại ca đầu gấu gì thì họ đời thực cũng chỉ là những con người, rồi sẽ có lúc họ thấy chán, chịu buông tha bạn để chuyển hướng tìm.. nạn nhân khác dễ bắt vẹo hơn.
Nói tới đây, hẳn game thủ nào cũng đã hình dung ra “Anh hùng bàn phím” là ai, hình dung ra được thứ danh từ “thân mật” mà Cộng đồng mạng dùng ám chỉ những kẻ “còm hen”, chỉ thích núp sau chiếc màn hình máy tính để comment. Nhìn nhận một cách nghiêm túc, nếu bản thân Cộng đồng game thủ không có những hành động mạnh mẽ hơn, nhằm cải thiện đi thứ văn hóa “dìm hàng” vô tội vạ từ những vị “Anh hùng bàn phím” này thì nguy cơ thất bại dành cho các sản phẩm game Việt là rất cao.
Đó cũng là nguồn cơn cho câu chuyện thất bại của Flappy Bird - tựa game Indie đầu lòng của lập trình viên Việt Nam Nguyễn Hà Đông. Khi bắt đầu lên sàn thị trường, Flappy Bird đã nhanh chóng nhận được rất nhiều hưởng ứng từ cộng đồng game thủ quốc tế.
Thế nhưng quay trở lại quê hương bản xứ của mình thì thái độ đón tiếp của số đông cộng đồng game thủ Việt dành cho tựa game này thật chẳng ra sao, có những game thủ tuy chưa từng chơi qua Flappy Bird nhưng cũng sẵn sàng chạy theo đám đông để quăng gạch tác giả Nguyễn Hà Đông, họ làm vậy trong sự mù quáng mà không hay biết: Thứ dư luận chết chóc kia đều được tạo nên từ những thành phần “Anh hùng bàn phím”, lấy việc châm chọc cuộc sống và thành quả của người khác để làm thú vui cho cuộc đời mình.
Có lẽ viễn cảnh diễn đàn game trong tương lai sẽ được thay thế hoàn toàn bởi hệ thống Fanpage Facebook cũng sẽ là điều dễ hiểu. Vậy còn bạn, những game thủ anti AHBP, bạn có muốn chia sẻ kinh nghiệm phòng chống chứng bệnh “gõ phím bình thiên hạ” của những kẻ rỗi hơn kia không? Hãy chia sẻ cùng Game4V trong phần bình luận phía dưới nhé!..