Trong kí ức tôi, mùa hè năm lớp 10 là những tháng ngày vui nhất trong cuộc đời học sinh của tôi, mà sau này mỗi lần nhớ lại đều không khỏi cảm thấy bồi hồi, xao xuyến. Đó là những ngày mà ở nơi phố biển sáng nắng, trưa âm u, chiều lất phất bụi, tối đến lại mưa tầm tã, nhóm bạn bè chúng tôi đi đâu cũng có nhau.
Như đã thành lệ thường, buổi sáng sớm, bọn K mập và tôi lại tập trung sớm ở sân A trường học, và ít phút sau khi tất cả đã đông đủ, bọn con trai sẽ ra sân C khiêng 2 cái khung thành ra, khởi động kèm theo tán chuyện đâu đó xong xuôi, hai đội bóng A và B lại chạy quanh quả bóng tròn. Các chị trong đội tuyển nữ chạy muốn hụt hơi theo con trai tụi tôi để bám bóng, hay chốc sau tựa gốc cây thở dốc đợi bóng lăn đến tận chân. Và tôi vẫn nhanh thoăn thoắt với những pha lừa bóng điệu nghệ, để không ít lần té oạch ra giữa sân vì vấp phải khúc sân ghồ ghề, hay K mập không thiếu những lần ôm khung thành bất lực nhìn bóng lăn vào gôn. Những tràng cười giòn giã vang lên từ các cổ động viên nữ là Khả Vy và nhỏ H đến muộn hơn một chút, thỉnh thoảng lại vỗ tay hay lắc đầu xuýt xoa cho một pha làm bàn hụt ăn tiếc hùi hụi của T rách. L đội trưởng chẳng hiểu là do mắt mũi kèm nhèm ra làm sao, hay là đã biết “ rung động đầu đời “, ăn no rửng mỡ nó cứ nhè chị bí thư 11A1 mà kèm sát rạt, để rồi ông anh tiền đạo bên đó sửng cồ cứ thấy bóng đến chân là sút thẳng cẳng, khiến K mập mấy phen thất kinh hồn vía bỏ khung thành chạy lấy người.
Đến nỗi bọn tôi phải họp bàn nhau lại, và giao ra cái đạo luật “ cấm tống “ , tức là gặp bóng đến thì phải rê phải dắt, có sút thì nhè nhẹ chứ không được tống vào mặt nhau như thế. Luật được ban hành, ông tiền đạo bên kia hết sút thị uy thằng L được nữa, thế là chuyển sang chăm sóc kĩ thằng này mà bỏ cho tôi chạy long nhong giữa sân. Và cứ một lần nhận banh từ D xoắn, tôi cứ cái tật cũ mà cong chân sút luôn chả màng luật lệ gì sất, để rồi một cái cửa kính trong phòng tin học của trường ra đi, báo hại cả bọn xin lỗi hết nước thiếu điều muốn lăn ra ăn vạ tập thể ở giữa sân, thì bác bảo vệ mới không hạ lệnh giải tán lũ phá làng phá xóm này.
Sau vụ đó, tôi bị giao thêm một cái luật dành cho riêng tôi, thằng C kiếm ở đâu ra khúc cây đã khô cứng, đặt cái độp lên yên xe tôi và bảo :
- Một lần mày sút, tao oánh què giò !
Thế là tôi hết ham sút nữa, dù có đôi lần theo tật cái chân vẫn co lên, nhưng đã biết điều hạ xuống, ra chiều uý kị chuyền sang đồng đội. Kết thúc mỗi trận bóng bữa sáng, cả đám lại bon bon xe đạp kéo nhau ra biển Đồi Dương dạo mát, và dừng lại đâu đó dọc đường biển để thưởng thức ly sữa đậu nành ấm nóng vào những buổi lạnh, hay cốc sữa đậu phộng mát lạnh vào những khi tiết trời nóng bức.
Tôi còn nhớ có hôm uống sữa đậu nành chán chê, thằng C tiết lộ gần nhà nó có quán bánh canh chỉ có….2000 đồng một tô. Thoạt đầu cả đám bọn tôi đều không thể nào tin được là có mức giá rẻ đến như vậy, vì theo thời giá lúc đó thì một tô bánh canh đầy đủ chả cá với thỏi cá luộc thì ít nhất cũng phải là 5000 đồng. Thế nhưng khi tô bánh canh nước lèo cua đồng ngọt lịm, chả cá thơm lừng, thỏi cá luộc béo nguậy và những viên nấm tròn mọng nước được đặt ngay trước mặt, thì tụi tôi mới lăn ra phục thằng này vì tài thám hiểm ẩm thực của nó. Vậy là sau bữa đá bóng toát mồ hôi và thất thểu đạp xe vì đói, tụi tôi lại quây quần quanh tiệm bánh canh ven đường, vừa ăn vừa quệt mồ hôi hít hà vì ớt tiêu cay xè nhưng nước lèo lại thơm lựng, những miếng chả cá ăn ngon nhức răng. Con đường biển với những hàng cây xanh đầy bóng mát phủ lên lưng bọn con trai quần đùi áo thun đang cắm đầu ăn uống, chốc chốc những làn gió mát lạnh thổi qua làm những cánh hoa phượng đỏ thắm rơi lả tả trong gió.
Ăn uống no nê, tụi tôi tan hàng ai về nhà nấy, riêng tôi với K mập và thằng C lại nháy mắt nhau đầy ngụ ý. Thế là tôi lại phóng về nhà, tắm rửa cho thoải mái rồi lại chạy sang thẳng tiệm net quen thuộc trên đường TQ, đến nơi thì đã thấy K mập và thằng C chờ sẵn. Ba ông tướng ngồi chơi đủ các loại game vi tính, từ Gunbound online cho đến dàn trận Warcraft hay Yuri offline. Có lắm lúc 3 thằng cá nhau xem ai thắng cuối cùng sẽ được 2 người thua khao 1 chầu bánh canh chả cá và chè đá mệt nghỉ, tôi khôn lỏi dùng toàn mưu chước mà chẳng ai dùng đến để giành chiến thắng. Tỉ dụ như trong trò Ra2, khi K mập và thằng C còn đang loay hoay đưa xe kút kít đi khai thác tài nguyên thì tôi đã trút hết tiền mua cả đống kĩ sư, rồi dùng quân lính cho sẵn mò sang lãnh thổ 2 thằng kia mà giương Đông kích Tây. Nhân lúc 2 thằng này cười hể hả nhìn binh lính tôi lao đầu cho các ụ canh gác tụi nó bắn thì tôi đã âm thầm đưa kĩ sư vào nhà chính tụi nó. Và thế là roẹt roẹt 1 giây sau, cả 2 cái nhà chính đều thuộc về tôi, và tôi nhanh tay ấn nút Sell, dòng chữ “ You are victorius “ hiện ra giữa màn hình, tôi toàn thắng chưa đầy 5 phút đồng hồ. Kết thúc bữa đó, tôi ăn thả cửa trong khi 2 thằng kia đần mặt ra ngơ ngác tự hỏi sao tôi lại có thể nghĩ ra cái mưu chước đơn giản mà lại lợi hại đến như vậy, để rồi những hôm sau tụi nó doạ nếu tôi còn chơi cái mánh đó nữa thì ngay lập tức sẽ bị tẩy chay đồng loạt, thế là tôi đau khổ lại một lần nữa cất đi bí kíp đã lâu lắm mới lôi ra lại từ năm cấp 2.
Chơi net đã đời đến gần trưa, 3 thằng lại tan hàng chạy về nhà ăn cơm, riêng tôi thì đi chung đường với K mập thêm 1 đoạn nữa để ghé quán truyện gần nhà nó, và thuê một lô một lốc những bộ truyện manga của Nhật về nhà, vừa ăn trưa vừa đọc. Hết truyện hay của Nhật tôi chuyển sang truyện tranh kiếm hiệp của Trung Quốc, và sau đó lại mò sang dãy truyện thể thao như bóng rổ hay bóng đá. Và ít hôm sau nằm trên ghế salon say mê đọc bộ “ Chuyện xứ Langbiang “ của Nguyễn Nhật Ánh, quả thực lúc ban đầu tôi cứ nghĩ đây là tập truyện phỏng theo tác phẩm Harry Potter nổi danh toàn cầu. Nhưng lúc đọc xong tập 1 thì tôi đã lầm, truyện của chú Nhật Ánh quả thật là vẫn cuốn hút tôi như cái thuở nhỏ đọc Kính Vạn Hoa, hài hước mà cũng không kém phần gay cấn với hai nhân vật “ Chiến binh giữ đền ” Nguyên và Kăp’ly.
Và cứ đầu giờ chiều, tôi lại áo quần tươm tất phóng sang nhà Khả Vy, trong giỏ xe là cả đống cờ các loại, từ cá ngựa, cờ thú đến cả cờ tướng và cờ vua. Rồi em ấy xinh xắn bước ra mở cổng đon đả mời tôi vào nhà, chốc sau hai đứa ngồi nhâm nhi bánh ngọt và xem tivi với mấy đứa em họ của Vy. Xem chương trình tivi bình thường thì không sao, xem đến mấy phim hành động thì cũng không sao, chỉ trừ vài lúc thằng em họ của Vy phấn khích mà vung tay tứ lung tung, còn lại những lúc cả nhà hứng lên bất tử xem phim kinh dị thì tôi đến giờ nghĩ lại vẫn còn thấy…hãi hùng. Tôi thì vốn thần kinh thép từ nhỏ, xem phim ma mà cứ ngoác miệng ra cười, chẳng sợ quái gì sất, vì căn bản tôi biết ma quỷ chỉ là sản phẩm trí tưởng tượng của con người, khoa học đã chứng minh rồi. Thế nên phim kinh dị loại nào tôi cũng chả ngán, nhưng cũng chả muốn xem, vì chẳng có gì hấp dẫn. Thế nhưng ngồi xem với đám em lóc nhóc nhà Vy mới gọi là kinh dị, cứ đến những đoạn có ma cỏ hay quái vật bất thần hiện ra ngay màn hình thì y như rằng nhỏ em út khóc ré lên, và nhỏ khác thì hét toáng như cháy nhà, Vy thì thảng thốt đập vào lưng tôi một cách vô thức.
Vâng, phim ma tôi không sợ, quỷ yêu gì cũng không sợ, chỉ sợ mình đang tập trung mà lại có người đập cho giật thót, khiến tôi cũng toát mồ hôi thiếu điều muốn hét lên theo, nhưng trót mang thân phận nam nhi đại trượng phu nên phải kìm lại.
Xem phim chán, cả bọn rủ nhau ra khoảng sân hè sau nhà Vy mà bày cờ cá ngựa ra, tôi công nhận em Vy chơi cái gì không giỏi chứ cái khoản đánh cờ kiểu hên xui với oánh bài là số dách, oánh bài thì lúc Tết tôi đã thấy hãi hùng rồi, không nhất thì cũng về nhì. Và giờ thì lắm lúc tôi méo mặt nhìn Vy cười hì hì rồi đưa tay hất quân cá ngựa màu xanh của tôi lăn cái độp vào lại trong chuồng, hay ngẩn người nhìn em ấy thu tóm hết cả nhà cửa của tôi trong Cờ tỷ phú, đến khi tôi bặm môi kêu bán thân chơi tiếp thì em ấy mới lè lưỡi buông tha mà cho vay ít vốn gỡ gạc.
Chỉ đến khi tôi đem cờ tướng với cờ vua ra thì mới có cơ hội gỡ gạc danh dự, khi tôi liên tục hạ thằng em họ của Vy mấy ván không gỡ. Rồi nằn nì mãi thì em Vy mới chịu ngồi vào thử sức với tôi 1 ván cờ tướng, đang hả hê mường tượng ra cảnh tôi cho em ấy thua sát ván thì băng bọn K mập đã đứng réo trước nhà rủ đi chơi tối, tôi tiếc hùi hụi vì trời sao mà tối mau thế, sao không đợi tôi thắng Vy đã chứ !
Vẫn như mọi khi, tôi chở Khả Vy, K mập đèo nhỏ H, và bọn thằng L chạy theo bên cạnh. Thực ra thì bọn tôi không phải là ngày nào cũng tập trung đông đủ thế này, mà chỉ là tầm 1 tuần thì có một buổi kéo cả đàn đi tán chuyện cho vui thôi. Cũng con đường biển dài và rộng đó, chúng tôi thong dong vừa chạy vừa nói đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện ghép đôi thằng L với chị bí thư 11A1 đến chuyện bàn tìm nơi học thêm các môn học của năm tới.
Và một chốc sau, như lời mẹ tôi hay dặn, tôi dòm trời nổi màu đỏ, gió bắt đầu mạnh lên và mát hơn bình thường, thì lật đật hối cả bọn chạy như ma đuổi tìm chỗ trú mưa, đa phần thì tất cả đều bị ướt vì đường NTT vốn dĩ không có chỗ núp mưa, còn hiếm hoi vài lần thì chúng tôi tấp vào kịp một quán bánh căn ven đường.
Vâng, điều làm tôi nhớ nhất chính là những lúc này, khi ngoài trời mưa ào xuống như trút nước, và gió mạnh cứ giật vần vũ trên mái hiên, thì chúng tôi ngồi quây quần bên lò bánh căn nóng hổi, tay xoa xoa trên lò để hơ lấy hơi nóng, vui vẻ và ấm cúng. Cảm giác ngồi đợi từng vòng bánh căn ra lò dưới trời mưa thật không còn gì thú vị bằng, vì bánh ra nhanh quá, ăn xong không lẽ về ngay lúc trời mưa. Không đâu, ngồi ngắm mưa, tán chuyện cười giỡn cùng bạn bè, chốc chốc thảy 1 cặp bánh vào tô, tận hưởng hết vị béo ngon của bột bánh, cay cay của nước mắm, vị chua của xoài sống, tôi đồ rằng lạc thú trần gian không còn gì hơn nữa.
- Ê, thằng mập ăn hơn tao 1 cặp kìa !
- Hơn cái đầu mày, nãy tao gắp cho H chứ có ăn đâu !
- Ơ, cái thằng N, mày ăn mấy viên xíu mại rồi ?
- Mới 3 viên chứ mấy !
- Tổ bà, mày ăn bánh hay ăn xíu mại thế ???
- Bác ơi, cho thêm 2 vòng nữa đi !
Những ngày này, mãi mãi tôi cũng không bao giờ quên được, cảm giác con phố biển vào mùa mưa, tầm tã cả đêm nhưng có những người bạn chí thân đang cười nắc nẻ, chọc giỡn qua lại, vung đũa lung tung dưới mái hiên ướt sũng nước, và ánh đèn vàng vọt vẫn leo lét phía trên cao. Sau này, mỗi dịp hè về quê, tôi có đôi khi mong mỏi tìm lại một cơn mưa rào ngày xưa, để tôi lại chạy như bị rượt vào quán bánh căn gần đó, và lại tận hưởng cảm giác ấm áp ấy, khi mà bạn bè còn chưa tản mác mỗi đứa một phương.
Và ngẫm lại, cũng có một điều lạ lùng, đi với Vy, với nhóm bạn, tôi bao giờ cũng được tôn làm thần cơ diệu toán, vì lúc nào cũng là người phát hiện trời sắp mưa sớm nhất, nhìn một phát là biết ngay sắp có mưa to hay mưa nhỏ.Thế nhưng, những lúc ở cạnh bên Tiểu Mai, tôi lại chẳng thể nào làm được chuyện dự báo thời tiết đó, mọi sự cứ như là phó mặc cho trời vậy !