Tần Thủy Hoàng - vị vua tàn bạo nhất trung hoa
Tần Thủy Hoàng ( 259 TCN – 210 TCN), tên huý là Doanh Chính, được xem là vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, vì ông đã có công tiêu diệt các nước chư hầu thời Chiến Quốc phân tán để thống nhất lập nên một đế quốc Trung Hoa rộng lớn. Tuy nhiên, ông cũng được xem là bạo chúa vì chính sách cai trị hà khắc và tàn bạo của mình. Tần Thủy Hoàng giữ ngôi từ năm 238 đến năm 210 trước Công nguyên; năm 246 TCN, lên ngôi, năm đó mới 13 tuổi và năm 238 TCN đích thân điều hành chính sự; ông dùng vũ lực thống nhất Trung Quốc và đã tiến hành một số cải cách có tính căn bản. Từ đó, các biện pháp cải cách này đã trở thành nhân tố quan trọng làm cho Trung Quốc giữ được sự thống nhất về mặt văn hóa.
Khi Tần vương Chính lên ngôi, nước Tần đã rất lớn mạnh, có ưu thế áp đảo so với 6 nước chư hầu còn lại. Đất Tần đã mở mang về phía đông rất rộng, lấy từ các nước lân cận như Hàn, Triệu, Ngụy, Sở và nhà Chu (bị diệt năm 249 TCN). Các nước chư hầu Sơn Đông luôn bị đẩy vào thế chống đỡ, nhiều lần tổ chức liên minh chống Tần nhưng chỉ đạt được một số thắng lợi tạm thời, không ngăn cản được quân Tần đông tiến. Tần vương tiếp tục duy trì chính sách "thân xa đánh gần", giao hảo với nước Tề, uy hiếp lấn chiếm Tam Tấn và Sở. Nước Tề giữ quan hệ với Tần nên không ra quân cứu các chư hầu khác.
Tần vương Chính bên trong dùng Úy Liêu, Lý Tư bày mưu kế, bên ngoài dùng cha con Vương Tiễn, Vương Bí và Mông Ngao, Mông Vũ làm tướng đánh dẹp các nước.
Năm 230 TCN, Tần vương Chính dự định đi kinh lược đất Hàn. Nước Hàn trước đó bị Tần đánh bại nhiều lần, đã rất nhỏ yếu không còn khả năng kháng cự. Hàn vương An sợ hãi, vội thu hết sổ sách, địa đồ trong nước sang đầu hàng nộp đất. Tần vương chính thức thôn tính nước Hàn.
Sau khi diệt Hàn, Tần vương Chính điều quân đánh Triệu. Tướng Triệu là Lý Mục đẩy lui được quân Tần. Tần vương bèn dùng kế ly gián, sai người đút lót cho gian thần nước Triệu là Quách Khai, xui Khai gièm pha Lý Mục. Triệu U Mục vương nghe lời gièm, tin rằng Lý Mục có mưu phản, bèn giết chết Lý Mục. Tần vương Chính thúc quân đánh Triệu gấp. Năm 228 TCN, quân Tần phá vỡ kinh thành Hàm Đan, bắt sống Triệu vương Thiên. Anh Thiên là Triệu Gia chạy lên đất Đại phía bắc xưng vương.
Thái tử Đan nước Yên lo lắng nước Tần sẽ đánh tới nước Yên, bèn sai dũng sĩ Kinh Kha đi hành thích Tần vương Chính, trên danh nghĩa là dâng địa đồ đất Đốc Cương. Vụ hành thích không thành, Kinh Kha bị giết.
Tần vương Chính quay sang đánh Ngụy để hoàn tất chiến thuật diệt Tam Tấn đầu tiên trong 6 nước. Năm 225 TCN, quân Tần hùng mạnh tấn công Đại Lương, tháo nước sông vào thành. Ngụy vương Giả không chống nổi phải ra hàng.
Ngay trong năm 225 TCN, Tần vương Chính sai Lý Tín mang 20 vạn quân đánh Sở. Lý Tín bị tướng Sở là Hạng Yên đánh bại. Tần vương Chính bèn nghe theo lão tướng Vương Tiễn, tổng động viên 60 vạn quân giao cho Vương Tiễn ra mặt trận.
Vương Tiễn đánh Sở trong 2 năm, đánh bại Hạng Yên, bắt sống Sở vương Phụ Sô. Hạng Yên chạy thoát, lập vua Sở mới là Xương Bình quân lên ngôi. Vương Tiễn lại tấn công xuống phía nam, giết chết vua Sở và Hạng Yên, bình định nước Sở.
Chỉ còn 2 nước Tề phía đông và Yên phía bắc. Năm 222 TCN, Tần vương sai con Vương Tiễn là Vương Bí mang quân tấn công Yên. Yên vương Hỷ sợ hãi bỏ Kế thành chạy sang Bình Nhưỡng, rồi lừa bắt giết thái tử Đan, nộp đầu cho nước Tần để tạ tội với Tần vương Chính. Nhưng Tần vương Chính vẫn hạ lệnh tiến quân, phá vỡ thành Bình Nhưỡng, bắt sống Yên vương Hỷ.
Quân Tần nhân đó tiến sang đánh đất Đại. Đại vương Gia (anh Triệu vương Thiên) bị bắt bèn tự sát.
Còn lại nước Tề, vốn không quen việc chiến tranh suốt hơn 40 năm. Năm 221 TCN, Tần vương Chính lấy cớ Tề vương Kiến mang quân phòng thủ ở biên giới phía tây là hành động gây hấn, bèn sai Vương Bí mang quân từ nước Yên tiến thẳng xuống phía nam đánh úp kinh thành Lâm Tri. Tề vương Kiến không chống nổi, phải đầu hàng. Cả 6 nước hoàn toàn bị thôn tính.
Sau khi đã thôn tính các chư hầu, Tần Vương Chính đề nghị các bầy tôi bàn về danh hiệu cho mình. Thừa tướng là Vương Quán, Ngự sử Đại phu Phùng Kiếp, Đình úy Lý Tư cho rằng cơ nghiệp của Tần vương Chính lớn hơn cả Ngũ Đế thời cổ; trong các vua cổ đại thì Thái Hoàng là cao quý nhất nên khuyên ông xưng là Thái Hoàng. Tần vương Chính quyết định bỏ chữ thái, lấy chữ hoàng, thêm chữ đế, của những vị đế thời thượng cổ hiệu gọi là Hoàng Đế.
Đồng thời, ông phê chuẩn các kiến nghị khác của bầy tôi, từ đó mệnh ban ra gọi là chế, lệnh ban ra gọi là chiếu, thiên tử tự xưng gọi là trẫm. Ông truy tôn vua cha Tần Trang Tương Vương là Thái thượng hoàng.
Vì là hoàng đế Trung Hoa đầu tiên nên ông xưng hiệu Thủy Hoàng Đế. Thủy Hoàng có nghĩa là “hoàng đế đầu tiên”, và ông muốn con cháu đời sau lấy danh hiệu: Nhị thế, Tam thế... cho đến vạn thế.
Có những quan điểm cho rằng Tần Thủy Hoàng là một bạo chúa. Trong gần 40 năm ngồi trên ngai vàng, ông có nhiều hành động được cho là tội ác, đó là: Xây Vạn Lý Trường Thành, xây cung Lương Sơn , xây cung A Phong (hay A Phòng), đốt sách, hãm hại Nho giáo, chôn học trò và xây lăng mộ cho riêng mình.
Sự nghiệp của Tần Thủy Hoàng không thể tách rời Thừa tướng Lý Tư. Trên thực tế, vai trò của Lý Tư rất lớn, lớn đến mức rất khó có thể tách rời sự nghiệp của hai người riêng rẽ. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn coi là công lao chủ yếu của Tần Thủy Hoàng, vì nếu không có ông, những đề xuất của Thừa tướng Lý Tư sẽ không thể thực hiện được.
Có ý kiến cho rằng Tần Thủy Hoàng có tư cách tầm thường, lại còn hung bạo, quá khắc nghiệt. Các sử gia Trung Hoa vì chịu ảnh hưởng của đạo Khổng nên có ý phê phán ông, nhất là việc ngược đãi nho sĩ, đốt sách...
Các nhà Nho gia luôn phê phán Tần thủy Hoàng là một bạo quân tàn ác, đầy ác ý, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các sử gia phương Tây nhìn nhận ông là một trong những nhân vật ngoại hạng trong mọi thời đại. Ông chỉ cầm quyền chưa đầy mười lăm năm mà làm cho nước Trung Hoa thay đổi hẳn, thống nhất về mọi mặt, mở mang thêm bờ cõi, thành một đế quốc lớn thời thượng cổ. Đó là một thành tựu được kể là vượt bậc. Ngày nay cái tên “China” hay “Sino” mà người phương Tây dùng để gọi Trung Quốc đều xuất phát từ phiên âm chữ “Tần” (Sin) mà ra. Nhiều nhà sử học nhắc tới Tần Thủy Hoàng song song với Napoleon.
Điều hiển nhiên là dân chúng dưới đời Tần Thủy Hoàng chịu nhiều cực khổ, dù làm sai bị xử án nhưng vẫn không tâm phục khẩu phục. Dân Tần phát triển kém hơn sáu nước mà họ đã chinh phục, nên họ còn có thể chịu được sự thiếu thốn, lao khổ vì họ quen rồi. Dân sáu nước văn minh hơn, rất uất hận dưới ách của Tần mà họ coi như mọi rợ, chỉ chờ cơ hội để nổi dậy. Đó là một nguyên nhân khiến Tần rất mau suy vong.
Dù sao, triều đại Tần Thủy Hoàng Đế là một khúc ngoặt cực kỳ quan trọng trong lịch sử Trung Hoa. Hiện giờ các sử gia của Trung Quốc có nhận định khách quan về ông hơn là các sử gia xưa